Bài tuyên truyền bệnh bạch hầu cách nhận biết và phòng tránh
TRƯỜNG MẦM NON TRÀNG LƯƠNG
BÀI TUYÊN TRUYỀN
5 dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu
Kính thưa các bậc phụ huynh. Hiện nay, bệnh bạch hầu đang trở thành mối lo ngại của nhiều cha mẹ học sinh cũng như trong cộng đồng. Vậy làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu của bệnh bạch hầu? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
I. Bệnh bạch hầu là gì?
Bạch hầu là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Căn bệnh này có khả năng lây lan rất mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch bệnh.
Bệnh bạch hầu là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạch ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi và tình trạng này có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hay bộ phận sinh dục.
Khi mà tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở đường thở trên hay vùng mũi hầu sẽ tạo ra một lớp màng xám, khi lớp màng này xuất hiện tại vùng thanh quản hay khí quản sẽ gây ra thở rít và tắc nghẽn. Trẻ nhỏ có thể bị chảy máu mũi nếu bị ở mũi, độc tố bạch hầu còn gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong.
Nếu không thể phát hiện và điều trị kịp thời bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận, hệ thần kinh của người nhiễm bệnh, thậm chí là tử vong. Nguy hiểm hơn, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong tới 3% những người mắc bệnh ngay cả khi điều trị, tỷ lệ cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.
II. Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu
1. Đau họng, khó nuốt
Dấu hiệu đầu tiên mà người mắc bệnh bạch hầu thường thấy là cảm giác đau rát và rất khó chịu ở cổ họng. Cảm giác này đôi khi bị nhầm với viêm họng thông thường nhưng thường nặng hơn và kéo dài hơn. Khi nhai nuốt, cơn đau sẽ tăng lên, gây khó khăn trong việc ăn uống và thậm chí là nuốt nước bọt.
2. Xuất hiện màng giả màu xám
Đây được coi là dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch hầu. Khi nhiễm bệnh, cơ thể sẽ xuất hiện của một lớp màng giả màu xám trắng trong cổ họng, amidan, hoặc mũi. Lớp màng này được tạo thành từ các tế bào chết, vi khuẩn, và các chất tiết khác. Lớp màng này dễ lan rộng và dính chặt vào các mô dưới, dễ gây chảy máu. Nếu màng này lan xuống thanh quản hoặc khí quản, nó có thể gây tắc nghẽn đường thở, thở rít, dẫn đến khó thở nghiêm trọng.
3. Sưng hạch bạch huyết
Hạch bạch huyết ở cổ (thường là dưới hàm hoặc ở bên cổ) có thể sưng to và trở nên đau đớn. Tình trạng này thường đi kèm với sưng vùng cổ, tạo nên hình dạng giống cổ bò, là một đặc điểm điển hình của bệnh bạch hầu nặng. Sưng hạch có thể làm người bệnh bị cổ cứng và đau khi chạm vào hoặc khi di chuyển đầu.
4. Sốt và ớn lạnh
Người mắc bệnh bạch hầu thường bị sốt, có thể từ nhẹ (khoảng 38°C) đến cao (trên 39°C). Khi sốt cao thường kèm theo cảm giác ớn lạnh, run rẩy và mệt mỏi. Đây là phản ứng của cơ thể khi cố gắng chống lại nhiễm trùng. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, uể oải và không còn sức lực.
5. Khó thở và ho khan
Khi lớp màng giả lan rộng, nó có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, dẫn đến khó thở. Người bệnh có thể thở nhanh, nông và cảm thấy tức ngực. Ho khan, không có đờm, cũng thường xuất hiện. Nếu tình trạng tắc nghẽn nặng, có thể dẫn đến tình trạng ngạt thở, đòi hỏi can thiệp y tế khẩn cấp.
Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh còn cảm thấy bị khàn tiếng, thở nhanh, chảy mũi. Tuy nhiên cũng có người mắc bệnh mà không có triệu chứng rõ ràng nào cả khi nhiễm khuẩn bạch hầu, những trường hợp này vô cùng nguy hiểm vì có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng và dễ lây lan ra cộng đồng.
III. Cách phòng tránh bệnh bạch hầu.
Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh Bạch hầu. Hiện nay trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi; tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, người dân cần thường xuyên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, che miệng khi ho, hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngời mắc bệnh. Nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi ngời mắc bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời để tránh lây lan bệnh./.
Trên đây là bài tuyên truyền về bệnh bạch hầu, rất mong quý phụ huynh tìm hiểu và thực hiện tốt công tác phòng tránh bệnh bạch hầu, tránh để sảy ra dịch bệnh trên địa bàn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và cả gia đình.
(Nguồn: SKĐS)
- Công khai tài chính 23/5/2024
- Công khai tài chính 22/5/2024
- Công khai tài chính 21/5/2024
- Công khai tài chính 20/5/204
- Công khai tài chính 17/5/2024
- Công khai tài chính 16/5/2024
- Công khai tài chính 15/5/2024
- Công khai tài chính 14/5/2024
- Công khai tài chính 13/5/2024
- Công khai tài chính 10/5/2024
- Công khai tài chính 9/5/2024
- cong khai tài chính ngày 8/5/2024
- Bài tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước
- Công khai tài chính 6/5/2024
- Công khai tài chính 3/5/2024